Quảng thời gian 15 năm tái lập chưa thật dài, nhưng đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của một huyện miền núi với những thành tựu đạt được hết sức quan trọng tạo tiền đề để Đông Giang phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Ngược dòng thời gian nhìn lại những ngày đầu mới tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa không đồng bộ, cơ sở vật chất nghèo nàn. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện còn rất thấp. Văn hóa - xã hội tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.
Về giáo dục-đào tạo, năm 2003 toàn huyện có 18 đơn vị trường học, trong đó có nhiều trường học, phòng học tạm bằng tranh, tre, nứa, lá; chưa có trường đạt chuẩn Quốc gia. Ở các cấp học chưa có trường đạt phổ cập giáo dục. Tỉ lệ học sinh đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng là 0%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các cấp học thiếu trầm trọng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học còn thấp. Thêm vào đó tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng thường xuyên xảy ra, tạo nên những thách thức rất lớn cho công tác trồng người trên địa bàn huyện.
Cùng với giáo dục, mạng lưới y tế chưa hoàn thiện, công tác chăm sóc sức khỏe người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhân lực cán bộ y tế thiếu trầm trọng, khả năng vận hành của hệ thống y tế còn nhiều hạn chế. Năm 2003, cán bộ y tế tại trung tâm y tế huyện chỉ có 71 người (06 bác sĩ) và 47 giường bệnh, chỉ khoảng 07 bác sĩ/10.000 dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế không đảm bảo; có gần 40% số trạm y tế xã chưa được đầu tư đủ trang thiết bị. Chính vì thế, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cao.
Các hoạt động văn hóa, tinh thần của người dân còn nghèo nàn lạc hậu, năm 2003, toàn huyện chỉ có 217 hộ được công nhận gia đình văn hóa và 04 thôn được công nhận thôn văn hóa. Tình trạng du canh du cư, tảo hôn, thách cưới, ma chay dài ngày còn xảy ra. Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao còn nhiều hạn chế.
15 năm qua, dưới ánh sáng soi đường, dẫn lối của Đảng, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Giang đã vượt qua bao khó khăn, thử thách và đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Bộ mặt giáo dục - đào tạo được thay đổi hoàn toàn, mạng lưới trường, lớp được phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao. Đến nay, toàn huyện có 30 đơn vị trường học, tăng 12 trường so với thời điểm năm 2003, trong đó 28 trường trực thuộc huyện quản lý và 02 đơn vị trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh quản lý; có 07 trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; 100% xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 04 trung tâm học tập cộng đồng...Qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống giáo dục đã được hoàn thiện, khắc phục được tình trạng thiếu thầy, thiếu phòng học, xóa được phòng học tạm bợ, tranh, tre, nứa lá. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư, chuẩn hoá, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 35,9%, có hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú và 02 THPT được đầu tư xây dựng khang trang. Qua quá trình phấn đấu dạy và học, đến nay toàn huyện có 117 em thi đỗ vào các trường đại học trong cả nước. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên ngày càng tăng về số lượng và chuẩn hóa về chất lượng, đến năm 2017 có 668 người, tăng 258 người so với thời điểm năm 2003; trình độ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn huyện.
Sự nghiệp y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Các cơ sở khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã được xây dựng khang trang với 95 giường bệnh. Các Trạm y tế cấp xã được quan tâm đầu tư mở rộng, đến nay đã có 3/11 xã, thị trấn, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế đã đáp ứng và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Công tác y tế dự phòng được đẩy mạnh, công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai hiệu quả. Dịch bệnh ở người không xảy ra. Trung bình mỗi năm cấp trên 14.000 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người dân, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người dân trong việc khám chữa bệnh. Các chiến dịch truyền thông, lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho nhân dân được đẩy mạnh đem lại hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và chất lượng, đến năm 2017, có 141cán bộ y tế, trong đó có 29 bác sĩ (04 bác sĩ chuyên khoa I); trung bình có 12,05 bác sĩ/10.000 dân. Các chỉ tiêu về y tế đạt yêu cầu, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 19,46%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 2,43%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ 8 loại vắc - xin đạt 93,48%; tỷ lệ xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt trên 27,27%. Các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng thực hiện có hiệu quả.
Sau 15 năm tái lập, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến năm 2017, toàn huyện có 77/95 được công nhận danh hiệu thôn văn hóa, chiếm tỷ lệ 78,95%, có 5.378/6.273, hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 85,73% và có 52/85 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 61,2%; đã xây dựng được 85/95 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng trong đó có 60 gươl và 25 nhà sinh hoạt cộng đồng. Hình thành 01 làng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa Cơtu và phát triển kinh tế. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơtu được giữ gìn và phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội được loại bỏ. Năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý, điệu múa tân tung da dăh và nghề dệt thổ cẩm được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận 03 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Tỉnh Quảng Nam cũng đã công nhận trên 4 di tích cấp tỉnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, phát triển. Hoạt động thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư. Hàng năm, phát động và tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao từ huyện đến cơ sở với sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao thể chất và khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân.
Hoạt động truyền thanh-truyền hình phát triển theo hướng truyền thông đa phương tiện. Hệ thống đài truyền thanh huyện và xã, trang thông tin điện tử của huyện hoạt động có hiệu quả, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tới các tầng lớp nhân dân trong huyện; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mạng lưới viễn thông có độ phủ rộng khắp, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới, tỷ lệ xã có Internet đạt 100%.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác nhân đạo từ thiện được triển khai thực hiện thường xuyên, rộng khắp và có hiệu quả. Chính sách với người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho 1.413 người có công với cách mạng và thân nhân, chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 800 đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng luôn được chú trọng. Huyện quan tâm, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách và hộ nghèo trên 1000 căn nhà, trong đó: đã làm mới trên 640 căn nhà cho hộ gia đình chính sách và trên 430 nhà cho hộ nghèo. Các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện có hiệu quả. Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đời sống của nhân dân được nâng lên. Đến cuối năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36,94%, bình quân mỗi năm giảm trên 5% tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,12 triệu đồng/năm, tăng 17,02 triệu đồng so với năm 2003.
Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện với sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, huyện đã có 01 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Ba) và đang trên lộ trình phấn đấu thêm 02 xã về đích nông thôn mới vào năm 2020 (xã Tư và xã Mà Cooih).
Sau 15 năm tái lập, huyện Đông Giang đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, tạo được dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng và phát triển. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng, vẻ vang của quê hương Đông Giang, trong những năm tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục phấn đấu cao hơn nữa để tạo bước chuyển mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trên chặng đường đổi mới, tin tưởng rằng huyện Đông Giang sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Đông Giang ngày càng phát triển giàu mạnh, toàn diện và bền vững.
Bài viết của đồng chí Ating Tươi, UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện