Kinh tế có phát triển nhưng còn nhiều khó khăn
Ban Dân tộc nhận định tình hình đời sống, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng chưa vượt qua khó khăn, kinh tế có tăng trưởng nhưng quy mô còn rất nhỏ, đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài, khả năng tích lũy để tái đầu tư phát triển không cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, nhiều thôn chưa có điện lưới quốc gia; số hộ dân cần ổn định chỗ ở gắn với đất sản xuất còn nhiều. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi cần phải có nhiều giải pháp thúc đẩy, một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện và khả năng thoát nghèo thấp.
Theo Ban việc triển khai nhiều cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh chưa tạo ra những tác động tích cực trong việc thay đổi diện mạo khu vực miền núi. Trong 03 năm thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khu vực miền núi vẫn không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Việc trồng và phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, chưa đạt mục tiêu cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình nông thôn mới ở khu vực miền núi là thách thức không nhỏ, thiếu tính bền vững, trong số 11 xã được công nhận đạt chuẩn có 10 xã không đạt theo tiêu chí mới, một số xã số tiêu chí đạt thấp; tiến độ, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn chậm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Nhiều mô hình về hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập được triển khai đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, người dân chưa tích cực trong thực hiện.
Trong thực hiện cơ chế hỗ trợ “an cư” theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND bên cạnh những địa phương thực hiện tốt cũng có nhiều địa phương được giao vốn nhưng không triển khai được hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp, có nơi chủ đầu tư sử dụng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân để thi công san ủi tập trung là chưa đúng chủ trương, nguyên tắc quy định. Quá trình thực hiện cơ chế có những vướng mắc nhưng chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung hướng dẫn.
Ngoài ra thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao đất, giao rừng, phân chia lâm phận cũng còn nhiều hạn chế chưa đạt mục tiêu là động lực thúc đẩy người dân cải thiện sinh kế bằng nghề rừng, thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Kiến nghị nhiều nội dung về cơ chế, chính sách
Từ những bất cập trong thực hiện các cơ chế, chính sách Ban đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, bất cập nảy sinh. Nghiên cứu xây dựng đề án trình HĐND tỉnh quyết định chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi và chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời bổ sung, phát triển một số cụm công nghiệp quy mô nhỏ ở khu vực miền núi để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, vườn ươm, trồng bảo tồn cây dược liệu tại 5 khu vực theo Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND, Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để đảm bảo nguồn cây giống có chất lượng, đáp ứng nhu cầu trồng dược liệu, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tích cực quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp điều kiện, năng lực các xã miền núi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cho các xã điểm, xã về đích nông thôn mới năm 2018.
Trong thực hiện sắp xếp dân cư, Ban đề nghị ưu tiên di dời trước những hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, không khuyến khích di dời tập trung; cùng với nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 12, quan tâm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm tái định cư mới, các điểm dân cư hiện có để tiếp nhận các hộ dân diện di dời, bố trí sắp xếp lại nơi ở; đơn giản hóa quy trình, thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Ngoài ra, để kịp thời thực hiện 04 nhóm dự án lớn còn lại theo Nghị quyết 05-NQ/TU cần chỉ đạo xây dựng đề án về hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng; phát triển chăn nuôi tập trung; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển vùng nguyên liệu trình HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, cần xem xét thực hiện tăng mức thuê khoán, quản lý bảo vệ rừng ngoài mức chi trả dịch vụ môi trường rừng bảo đảm đạt mức tối thiểu 400.000đ/ha/năm theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng.